Bất cứ loại bia rượu nào cũng nguy hiểm vì chất etanol có trong đó, vậy giữa bia và rượu thì loại đồ uống nào gây hại cho sức khỏe hơn?
Xem thêm: Đồ uống nhập khẩu cao cấp, rượu vang nhập khẩu
Uống bia tốt cho sức khỏe hơn rượu, đúng hay sai?
Theo TS.BS Vũ Trường Khanh, rất nhiều người có quan niệm bia kém độc so với rượu. Nhất là ở những người bị xơ gan do rượu, sau khi được ra viện, do không “cai” được chất kích thích này nên đã chuyển từ rượu sang bia. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng: bia “nhẹ” độ hơn nên có thể uống thoải mái và không nguy hại.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhưng thực tế cho thấy, đúng là bia được coi là nước giải khát và có độ cồn thấp hơn, nhưng đa phần mọi người lại uống nhiều hơn. Kết quả là bia cũng độc chẳng kém gì rượu. Bởi bất cứ loại bia rượu nào (kể cả bia rượu ngoại, bia rượu nhà máy hay bia rượu nấu thủ công) cũng nguy hiểm vì chất etanol có trong đó. Chất etanol có trong bia rượu, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành aldehyde, một chất rất có hại cho cơ thể.
“Thay vì uống khoảng 200ml rượu mạnh 40-50 độ, nhiều người chuyển sang uống hết chai vang khoảng 600ml. Nhưng với độ cồn là 12 thì họ đã nạp vào cơ thể gần tương đương với lượng cồn trong rượu mạnh.
Tương tự, nhiều người bỏ rượu chuyển sang uống bia vì nồng độ cồn thấp (khoảng 5%). Tuy nhiên, nếu chúng ta uống 2-3 lít bia trong một bữa nhậu thì lượng cồn cũng tương đương họ uống 200 ml rượu mạnh 50 độ”, TS Khanh lý giải.
“Bia nhẹ độ hơn nhưng đa phần dân nhậu đều uống với số lượng rất nhiều nên cũng độc như rượu”, BS Khanh nhấn mạnh.
Cơ chế làm hại gan và cơ thể của rượu bia
Trong rượu bia đều có chứa chất cồn (ethanol) – một chất độc nên ngay sau khi được hấp thụ vào máu, cơ thể sẽ tiến hành hoạt động đào thải ethanol ra ngoài. Một phần nhỏ được thải ra qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan.
Tại gan ethanol được chuyển hóa bởi hệ thống enzyme ADH. Các enzyme ADH biến đổi ethanol tạo thành acetaldehyde. Đây là chất gây độc lên hầu hết các hệ cơ quan.
Sau đó, gan sẽ chuyển hóa acetaldehyde thành acetate nhờ enzyme ALDH và glutathione. Acetate là chất ít độc hơn và được các tế bào trong cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2.
Từ đó có thể thấy khả năng giải độc của gan phụ thuộc vào lượng enzyme và chất chống oxy hóa Glutathion do gan tiết ra. Song khả năng của gan chỉ có hạn, nó chỉ có thể sản sinh ra một lượng enzyme nhất định mỗi giờ, tương ứng với một lượng acetaldehyde nhất định được chuyển hóa.
Do đó, nếu uống rượu bia với số lượng quá nhiều thì gan không kịp sản xuất đủ số lượng men để chuyển hóa Acetaldehyde nữa. Khi đó Acetaldehyde ứ đọng trong cơ thể, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như các triệu chứng say rượu (buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi...) các bệnh lý như rối loạn tâm thần - hành vi (nói mất kiểm soát, run rẩy chân tay...), thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày, tim mạch. Đặc biệt còn gây phá hủy tế bào gan, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh về gan mà điển hình là: gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan do rượu.
Vậy nên sử dụng bia rượu thế nào là đúng?
Rượu thực chất là thức uống không có lợi cho sức khỏe bởi nó không hề có tác dụng về mặt dinh dưỡng. Chưa kể đến, nếu uống quá nhiều rượu sẽ tác động vào gan, não gây viêm gan, thần kinh bị giảm dẫn tới không tỉnh táo, làm cho hệ thống thần kinh bị tê liệt.
Vì vậy, đặc biệt là với những người có dấu hiệu gan nhiễm mỡ hoặc nghiêm trọng hơn là viêm gan, xơ gan do rượu bia, nên xem xét việc dứt bỏ hoàn toàn thức uống này.
Với những người bình thường, theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: mỗi ngày chỉ nên uống 330ml bia (1 lon hay 1 chai), tối đa không uống quá 2 lít.
(Theo Báo Tiền Phong)